Thị trấn Dran Đơn Dương – nàng tiên còn say giấc ở Tây Nguyên
Nhắc đến nàng thơ của núi rừng Tây Nguyên, ta lại nhớ về Đà Lạt mộng mơ tựa như một cô gái yêu kiều khiến bao người say đắm. Thế nhưng, Tây Nguyên không chỉ có những thành phố xinh đẹp như Đà Lạt hay Bảo Lộc mà còn ẩn giấu những thị trấn nhỏ xinh, thơ mộng và bình yên mà không phải ai cũng biết. Tìm về thị trấn Dran Đơn Dương du khách phải ngẩn ngơ và mê mẩn vẻ đẹp nơi đây.
Khám phá thị trấn “rìa Đà Lạt”
Thị trấn Dran Đơn Dương thuộc huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng được hình thành cùng thời điểm với thành phố Đà Lạt đầu thế kỷ XX. Thị trấn do người Pháp đặt tên, nằm lưng chừng giữa hai con đèo Dran và Ngoạn Mục.
Một góc nhỏ thị trấn Dran Đơn Dương nằm dưới chân đập hồ thủy điện Đa Nhim
Lúc đầu thị trấn này chỉ là một trạm dừng chân trên tuyến đường sắt răng cưa từ Phan Rang lên Đà Lạt. Sau đó những người công nhân làm tuyến đường sắt, đồi trà Cầu Đất dừng lại khai hoang, lập nghiệp.
Tuy chỉ cách thành phố Đà Lạt 40km, nhưng thị trấn Dran Đơn Dương vẫn là một nơi vắng bóng khách du lịch, yên ả nép mình bên hồ Đa Nhim – nơi được mệnh danh là “Hòn ngọc xanh” của Tây Nguyên. Nếu là người yêu thích sự yên bình, nét hoài cổ lãng mạn thì thị trấn lưng đèo này là điểm đến lý tưởng dành cho bạn dạo chơi vài ngày.
Đường vào thị trấn Dran phủ đầy hoa dã quỳ
Ở thị trấn Dran Đơn Dương có giáo xứ Lạc Lâm – nơi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng ở, viết thư cho người tình ở Huế và sáng tác nhiều bài hát để đời.
Trên quãng đường từ Đà Lạt về thị trấn Dran Đơn Dương, du khách sẽ bắt gặp những thung lũng rau màu bậc thang tự nhiên có hệ thống tưới nước tự động được nông dân Đà Lạt lắp đặt vào sản xuất nông nghiệp. Những triền đồi được san gạt, tạo thành những cung ruộng bậc thang tuyệt đẹp.
Nằm giữa hai con đèo dài là Dran và Ngoạn Mục, thị trấn Dran được ví là thị trấn lưng đèo
Ngoài vẻ đẹp thiên nhiên, một góc nhà thờ xứ Đơn Dương cũng giúp du khách cảm nhận được sự yên bình của vùng đất này sau chặng đường dài khám phá. Từ thị trấn Dran Đơn Dương du khách có thể theo quốc lộ 27 về Ngã ba Phi Nôm để trở lại Đà Lạt hoặc xuôi đèo Ngoạn Mục khám phá vùng đất Ninh Thuận.
Sống chậm ở xứ sở ngàn thông reo
Ngay từ lần gặp gỡ đầu tiên, thị trấn Dran Đơn Dương đã khiến bao người ngẩn ngơ và mê mẩn. Bao quát toàn cảnh thị trấn, du khách sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên tràn đầy sức sống với sắc xanh tươi mơn mởn cùng những mảng màu rực rỡ, lung linh, tạo thành một bức tranh phong cảnh hữu tình tuyệt đẹp, được điểm tô bởi nhiều cảnh sắc thiên nhiên diệu kỳ được hòa quyện vào nhau đẹp đến nao lòng.
Vườn hồng vào mùa thu hoạch
Thị tứ Dran còn là một chốn bình yên, thanh bình và an nhiên vô cùng. Dù chỉ là những người lữ khách phương xa có dịp ghé thăm thị trấn trong chuyến du lịch Đà Lạt, du khách cũng sẽ cảm thấy yêu mến và say đắm mảnh đất này.
Ở thị trấn Dran Tây Nguyên, bạn sẽ được chiêm ngưỡng những hàng thông lá kim xanh rì vươn mình đón nắng, những hàng chè xanh ngút ngàn. Đặc biệt, trong những ngày mùa thu hoạch, du khách còn được chiêm ngưỡng những vườn hồng, quýt, chanh dây chín mọng hay những vườn rau xanh trải dài ngút ngàn.
Những vườn rau xanh mướt trong thị trấn
Ngoài ra, đèo Dran là nơi lý tưởng nhất để du khách có thể chiêm ngưỡng được toàn cảnh thị trấn Dran nhỏ bé, hiền hòa nằm im lìm bên đập thủy điện Đa Nhim xanh biếc, đẹp như một hòn ngọc bích. Vẻ đẹp của thị trấn sẽ khiến bạn cảm thấy thật mát mắt, như được đắm chìm trong bầu không gian của xứ sở cổ tích thơ mộng.
Dân cư ở thị trấn Dran Đơn Dương khá khiêm tốn, đa phần là người miền Trung và biết nhau. Họ mang theo tính cách khẳng khái, chất giọng, văn hóa và ẩm thực quê mình vào đây.
Đến thị trấn Dran ngắm vẻ đẹp xứ ngàn thông
Đặc biệt, những người lớn tuổi ở Dran rất thích những cuộc gặp gỡ, trò chuyện, họ sẵn sàng dành cả ngày để kể về thị trấn nhỏ của mình bằng sự tự hào. Thị trấn Dran quá nhỏ, chưa phát triển du lịch hoàn toàn nên không nhiều khách sạn để ở lại, bạn còn có thể xin ở trọ nhà người dân trong những ngôi nhà làm bằng gỗ thông, dựa mình vào chân núi, đêm về phảng phất mùi nhựa thông, bình yên đến lạ lùng.
Ban ngày du khách sẽ cơ hội tham quan vườn rau củ, vườn hồng, chuối, thơm, quýt – những đặc sản xứ Dran, đồng thời trải nghiệm cuộc sống giản dị, đời thường nơi đây.
Không có nhiều địa điểm check – in như Đà Lạt, tuy nhiên, thị trấn cổ này vô cùng thu hút vì vẫn còn lưu dấu tích của những công trình trăm năm gắn với lịch sử ban sơ hình thành Đà Lạt như: dấu tích cầu sắt Dran, đền Càng Rang, dấu tích nhà ga tuyến Tháp Chàm – Đà Lạt… Những ngôi nhà gỗ kiểu cổ xưa xen kẽ những tòa biệt thự cổ kính đặc trưng kiến trúc phương Tây tạo nên nét hoài cổ, lãng mạn cho thị trấn Dran Đơn Dương.
Một ngôi nhà gỗ cổ ở thị trấn Dran
Họa sĩ Đinh Cường và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng có thời gian sinh sống ở đây và Dran tạo ra niềm cảm hứng sáng tác bất tận cho hai nghệ sĩ tài ba. Họa sĩ Đinh Cường từng có những dòng thể hiện nỗi nhớ thương, gắn bó với thị trấn nhỏ này:
“Nhớ khói lam chiều lan xa trên sườn núi
Những đoạn đường đèo hoang vu trên Đơn Dương
Tiếng lục lạc của chiếc xe thồ cũ kỹ
Móng ngựa mòn rơi trên đường
Và bạn tôi không còn cùng tôi”.
Cách đi đến thị trấn Dran
Du khách có thể đi đến thị trấn Dran Đơn Dương bằng nhiều cách. Nếu ở Đà Lạt có thể đi xuống Dran theo hướng về Trại Mát, Cầu Đất và vượt đèo Dran. Đây là cung đường đẹp bậc nhất ở vùng ngoại ô Đà Lạt. Nếu bạn chưa từng đi bao giờ thì có thể vừa đi vừa hỏi người dân địa phương bên đường cho đỡ bị lạc và tiết kiệm thời gian hơn.
Nếu từ TPHCM thì đi theo hướng Đức Trọng, rẽ qua Đạ Ròn – Lạc Xuân, băng qua vùng trồng rau củ lớn nhất của Lâm Đồng. Từ thành phố Phan Rang đi theo hướng đèo Ngoạn Mục gặp những đoạn đường uốn lượn đúng như cái tên của nó. Một lưu ý nhỏ là trước khi đi đến Dran, bạn đừng quên mang theo quần áo ấm, khăn quàng cổ và mũ len.
Một màu xanh bạt ngàn bao phủ không gian thị trấn Dran
Không xinh đẹp nổi bật như Đà Lạt hay thơ mộng như B’Lao, thị trấn Dran Đơn Dương vẫn lưu giữ sự hoang sơ của núi đồi, của những ngọn lau trắng bạt ngàn, làn gió lành lạnh rất nghệ sĩ mang đến vẻ đẹp vô cùng đặc biệt cho du khách ghé thăm. Sự bình yên, hoài cổ và chút man mác buồn đủ để khơi dậy cảm hứng cho những tâm hồn lãng mạn.